Kinh doanh phụ tùng xe máy cũng là ý tưởng khá hay ho cho các bạn yêu kỹ thuật và muốn thử sức kinh doanh. Để chuẩn bị cho mô hình kinh doanh này cần những gì?
Để mở một cửa hàng thì tất nhiên bạn phải có mặt bằng để kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng trong bước lên kế hoạch kinh doanh. Với số vốn nhỏ thì bạn có thể tận dụng mặt bằng tại nhà để tiết kiệm chi phí dành cho những khoản khác. Còn nếu có vốn rộng rãi thì bạn nên thuê những mặt bằng với vị trí tốt, đông dân cư với giá thuê từ 10-20 triệu/tháng. Nhưng nếu phải đi thuê thì bạn cũng cần dự trù chi phí khá lớn vì hầu hết mặt bằng thường cho thuê ít nhất là 6 tháng.
Nguồn nhập hàng là công đoạn mà chiếm cả thời gian, công sức và tiền bạc của bạn nhiều nhất. Bạn không chỉ cần phải có kiến thức để lựa chọn loại hàng phù hợp, chất lượng, giá tốt mà còn phải có nguồn vốn lớn để nhập hàng với số lượng lớn, đa dạng về bán. Nếu như bạn tự tin vào tình hình kinh doanh của mình, vị trí kinh doanh tốt thì có thể nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất bằng cách làm đại lý cấp 1 cho họ hay nhập khẩu hàng từ nước ngoài về bán. Ưu điểm của phương pháp nhập hàng này là hàng đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, hưởng hoa hồng, chênh lệch cao. Nhưng nhược điểm là bạn sẽ phải có số vốn lớn để nhập hàng vì phải ôm một lượng hàng lớn một lần nhập. Nếu nguồn vốn ít thì bạn có thể tìm đến các nguồn hàng giá rẻ, các chợ đầu mối về phụ tùng xe để nhập hàng về bán.
Tính sơ qua vốn để thuê mặt bằng và nhập hàng thì với một cửa hàng nhỏ bạn cũng cần có ít nhất từ 150 triệu đến 200 triệu. Chưa kể chi phí mua phụ kiện đi kèm như kệ quảng cáo sản phẩm, trưng bày hàng, biển hiệu, thuê nhân viên,… Tổng chi phí dự kiến cũng khoảng tầm trên 200 triệu. Nếu bạn đang có ý định kinh doanh theo hướng này có thể tham khảo và chuẩn bị số vốn trước khi kinh doanh. Ở Việt Nam chủ yếu dùng các phương tiện đường bộ nhất là xe máy nên mô hình này cũng rất khả quan, có thể thu hồi vốn nhanh nếu biết tính toán, kinh doanh hợp lý.